Tốc độ tăng trưởng của thị trường bảo hiểm trong năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phát triển lại sau mở cửa và dịch Covid-19 được kiểm soát – đây là hai động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng.

Đây là nhận định về thị trường bảo hiểm năm 2023 của ông Lê Tuấn Dũng - Tổng Giám đốc Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Bảo hiểm VietinBank - VBI) khi trao đổi với phóng viên TBTCVN.

Ông Lê Tuấn Dũng - Tổng Giám đốc Bảo hiểm VietinBank - VBI.

Ông Lê Tuấn Dũng - Tổng Giám đốc Bảo hiểm VietinBank - VBI.

PV: Thưa ông, thị trường bảo hiểm Việt Nam vừa trải qua một năm 2022 với nhiều thách thức. Ông có đánh giá thế nào về thị trường bảo hiểm năm qua?

Ông Lê Tuấn Dũng: Năm 2022 được xem là một năm đầy khó khăn và thách thức đối với ngành bảo hiểm phi nhân thọ khi chi phí bồi thường tăng cao thời “hậu Covid-19”, tập trung ở hai nghiệp vụ: bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Bên cạnh đó, các đợt thiên tai, bão lũ, đặc biệt là cơn bão số 5 ở miền Trung cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Riêng đối với Bảo hiểm VietinBank – VBI, đây chính là phép thử của sự linh hoạt thích ứng, “biến nguy thành cơ”, hiện thực hóa thành công các mục tiêu: Cải thiện thị phần, duy trì tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận vượt trội so với trung bình của thị trường và đảm bảo hiệu quả kinh doanh 2022.

Cụ thể, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2022 dự kiến đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với cùng kỳ, tương đương 102% kế hoạch. Doanh thu gốc ước tăng 32% lên khoảng 3.050 tỷ đồng, gấp gần 2 lần so với mức tăng trưởng trung bình ngành. VBI thuộc Top 3 doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong nhóm các công ty bảo hiểm phi nhân thọ chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường. Lợi nhuận trước thuế tăng hơn 24% lên 253,5 tỷ đồng. VBI là một trong số ít các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có tốc độ tăng trưởng cả doanh thu và lợi nhuận dương trong năm 2022.

Khách hàng thao tác trên ứng dụng MyVBI của Bảo hiểm VietinBank để mua, tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm, yêu cầu bồi thường và bảo lãnh viện phí,…

Khách hàng thao tác trên ứng dụng MyVBI của Bảo hiểm VietinBank để mua, tra cứu giấy chứng nhận bảo hiểm, yêu cầu bồi thường và bảo lãnh viện phí,…

PV: Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và nhiều văn bản hướng dẫn cũng đang được gấp rút hoàn thiện, ban hành. Ông kỳ vọng thế nào về sự hỗ trợ của nền tảng pháp lý mới khi quyền được trao nhiều hơn cho doanh nghiệp bảo hiểm, đồng thời cũng có định hướng rõ về ứng dụng công nghệ thông tin, tạo hệ thống cơ sở dữ liệu,... đối với thị trường bảo hiểm?

Ông Lê Tuấn Dũng: Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi được kỳ vọng sẽ có tác động tích cực đến thị trường bảo hiểm, tạo nền tảng phát triển bền vững thị trường để thực hiện các mục tiêu tại Chiến lược Phát triển thị trường bảo hiểm đến năm 2030.

Theo đó, Luật mới sửa đổi đã có sự cải tiến trong việc phát triển sản phẩm bảo hiểm, thông qua việc thực hiện đăng ký phương pháp, cơ sở tính phí bảo hiểm. Bên cạnh đó, Luật cũng khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh bảo hiểm.

Bảo hiểm VietinBank - VBI luôn định hướng trở thành doanh nghiệp tiên phong công nghệ trong lĩnh vực bảo hiểm, đồng thời luôn nỗ lực cải tiến để đưa ra những giải pháp tối ưu, giúp quá trình tham gia bảo hiểm, chi trả bồi thường của khách hàng được nhanh chóng và thuận tiện nhất... Do đó, chúng tôi kỳ vọng nền tảng pháp lý mới sẽ hỗ trợ thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ và chất lượng hơn.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bảo hiểm mới có hiệu lực từ 1/1/2023 cũng có rất nhiều thay đổi về nguyên tắc quản trị, vận hành hoạt động bảo hiểm đòi hỏi các doanh nghiệp bảo hiểm phải tập trung đầu tư nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị, hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng nhân sự để đáp ứng yêu cầu.

PV: Năm 2023, ông dự báo thế nào về thị trường bảo hiểm phi nhận thọ tại Việt Nam? Đâu là yếu tố kỳ vọng sẽ tạo sự hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp bảo hiểm?

Ông Lê Tuấn Dũng: Hiện nay, thị trường bảo hiểm phi nhân thọ Việt Nam được đánh giá còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng. Quy mô thị trường bảo hiểm phi nhân thọ hiện nay mới đạt gần 3 tỷ USD, chiếm khoảng 0,7% quy mô GDP của Việt Nam, trong khi tỷ lệ này ở các nước trong khu vực Đông Nam Á thường trên 2% GDP.

Tốc độ tăng trưởng trong năm 2023 dự báo sẽ tiếp tục được duy trì, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế phát triển lại sau mở cửa và dịch Covid-19 được kiểm soát – đây là hai động lực tăng trưởng đối với nền kinh tế nói chung và ngành bảo hiểm nói riêng.

Quá trình chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ tại các doanh nghiệp bảo hiểm cùng với việc đẩy mạnh hợp tác với các đối tác để ra mắt thêm nhiều sản phẩm mới đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng dự báo cũng sẽ là “cú hích” đối với thị trường bảo hiểm trong năm 2023.

PV: Xin cảm ơn ông!

Theo Thời báo Tài chính

thị trường bảo hiểm 2023
.
icon
Vui lòng để lại thông tin liên hệ VBI sẽ tư vấn ngay cho bạn
Gửi thông tin