Chứng minh tài chính là gì? Làm thế nào để hợp lý, tăng tỷ lệ đậu visa

16:14 23/10/2023

Khi nộp hồ sơ xin visa cho bất kỳ mục đích nào ở bất kỳ quốc gia nào khác trên thế giới, một trong những yếu tố quan trọng để Lãnh sự quán đánh giá mục đích thật sự của chuyến đi chính là năng lực tài chính của mỗi người. Nhưng “Chứng minh tài chính là gì và cách chứng minh tài chính chặt chẽ, hợp lý từ đó tăng tỷ lệ đậu visa” thì không phải ai cũng biết. Cùng VBI tìm hiểu ngay nhé!

1. Chứng minh tài chính là gì?

Chứng minh tài chính là việc chứng minh cho Cơ quan lãnh sự thấy rằng bạn có đủ khả năng tài chính để thực hiện các mục đích nhập cảnh vào một quốc gia như đã khai báo trong hồ sơ.

Hiểu đơn giản, nếu muốn nhập cảnh vào một quốc gia nào đó bạn cần chứng minh bản thân có đủ kinh tế để chi trả chuyến đi, không làm gánh nặng hay có ý đồ thực hiện các hoạt động phi pháp ở quốc gia của họ. Điều này đặc biệt được chú trọng ở các nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, các nước châu Âu,…

Chứng minh tài chính được thực hiện cho hầu hết các mục đích nhập cảnh như: du lịch, thăm thân, công tác, du học hay điều trị y tế,…

Tuy nhiên, với mỗi mục đích sẽ tương ứng với số tiền cần chứng minh tài chính là bao nhiêu. Chẳng hạn, đi du lịch bạn cần khoảng 100.000.000 VNĐ trong sổ tiết kiệm nhưng khi đi du học con số này có thể lên đến 1.000.000.000 VNĐ.

2. Vì sao phải chứng minh tài chính?

Việc nhập cư, cư trú và làm việc bất hợp pháp ở các nước phát triển là vấn đề cực kỳ nhức nhối hiện nay. Lao động phổ thông ở các quốc gia phát triển có mức thu nhập rất cao so với Việt Nam, và đây chính là điểm hấp dẫn chết người cho lao động đến từ các quốc gia kém hay đang phát triển.

Hiểu được điều này, Lãnh sự các quốc gia phát triển sẽ rất khắt khe trong vấn đề xem xét tài chính cá nhân, nhóm người, doanh nghiệp có nhu cầu nhập cảnh vào nước họ, nhằm loại trừ khả năng lợi dụng xin visa để trốn ở lại làm việc, hay thực hiện các hoạt động phi pháp gây ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế, quốc phòng – an ninh của quốc gia.

Việc chứng minh tài chính giúp:

  • Thiết lập cam kết với Đại sứ quán các nước về khả năng kinh tế của bạn

  • Khẳng định bạn có khả năng chi trả cho chuyến đi và những chi phí phát sinh như tiền ăn ở, đi lại, tham quan, giải trí, mua sắm hay học tập,…

  • Đảm bảo được việc giảm thiểu tối đa những chi phí hỗ trợ du khách trong những trường gặp xấu mà du khách gặp phải trong chuyến đi của mình. Chắc chắn rằng, không một quốc gia nào muốn sử dụng ngân sách của mình để chi trả và hỗ trợ cho công dân nước khác

  • Đảm bảo việc ra nước ngoài của bạn đúng mục đích mà bạn đã khai với Cơ quan lãnh sự

  • Thêm sự ràng buộc về việc chắc chắn bạn sẽ quay trở lại quốc gia sở tại sau khi chuyến đi kết thúc

3. Phương thức chứng minh tài chính

Chứng minh tài chính bao gồm 2 phần rất rõ ràng là: Sổ tiết kiệm và chứng minh thu nhập

Nếu sổ tiết kiệm là điều kiện cần để chứng minh khả năng tài chính của bạn thì chứng minh thu nhập sẽ là câu trả lời cho câu hỏi số tiền trong sổ tiết kiệm đó đến từ đâu.

3.1. Sổ tiết kiệm

Đứng trên góc độ Lãnh Sứ Quán, Đại Sứ Quán cần xem xét du khách có các tài sản có tính thanh khoản cao. Trong đó tiền mặt và sổ tiết kiệm là hai loại tài sản có tính thanh khoản cao nhất. Tuy nhiên, bạn không thể mang hết tiền mặt đến sứ quán để chứng minh. Trong khi đó, sổ tiết kiệm lại được ngân hàng xác nhận và bảo trợ. Do đó, Cơ quan lãnh sự các nước đều yêu cầu chứng minh tài chính bằng sổ tiết kiệm.

Tùy vào loại visa và quốc gia bạn xin visa mà tiền tiết kiệm tối thiểu sẽ có sự khác biệt. Một số nước quy định phải mở sổ tiết kiệm trước thời điểm xin visa từ 1 – 3 tháng. Riêng du học thì tốt nhất là bạn nên mở sổ trước 3 – 6 tháng.

Sổ tiết kiệm với số dư tối thiểu cho visa du lịch một số nước phát triển:

Quốc gia 

Sổ tiết kiệm với số dư tối thiểu

Mỹ

5.000 USD ~ 117.000.000 VNĐ

Canada

5.000 USD ~ 117.000.000 VNĐ

Đức

30.000 EUR ~ 750.000.000 VNĐ

Úc

5.000 USD ~ 117.000.000 VNĐ

Anh

10.000 USD ~ 235.000.000 VNĐ

Nhật Bản

5.000 USD ~ 117.000.000 VNĐ

Hàn Quốc

5.000 USD ~ 117.000.000 VNĐ

3.2. Chứng minh thu nhập

Chứng minh khoản thu nhập được hiểu đơn giản là bạn chứng minh nguồn gốc của số tiền mà bạn có trong sổ tiết kiệm. Nguồn tiền này sẽ thể hiện thu nhập hàng tháng, hàng quý, hàng năm của gia đình. Đó cũng chính là nguồn tích lũy để hình thành tài sản, sổ tiết kiệm.

Thu nhập của bạn có thể là từ lương hàng tháng bạn đi làm hoặc tiền bạn kiếm được từ những nguồn thu nhập khác. Mức thu nhập chỉ được tính khi bạn đã trừ tất cả các chi phí sinh hoạt hàng tháng của mình mà vẫn đủ để tích lũy được số tiền trong sổ tiết kiệm. Nếu chứng minh được thu nhập khi đó tỷ lệ đậu visa của bạn chắc chắn sẽ cao hơn so với những người không chứng minh được.

Chẳng hạn, nếu muốn đi du lịch ở Đức, bạn cần phải có 1 sổ tiết kiệm với số tiền tiết kiệm nhỏ nhất là 800.000.000 VNĐ, sổ này phải mở trước thời điểm xin cấp visa 6 tháng. Như vậy nếu bạn đi làm được 4 năm, thì mỗi tháng bạn sẽ tiết kiệm được 16.700.000 VNĐ. Và nếu muốn tiết kiệm được số tiền này thì bạn phải có thu nhập trên 20.000.000 VNĐ/tháng.

Muốn du học ở Mỹ bạn cần có số dư tối thiểu trong sổ tiết kiệm bằng với chi phí học tập và sinh hoạt trong năm đầu tiên, dao động khoảng 1.000.000.000 VNĐ. Nếu bạn đã đi làm 4 năm trước đó thì mỗi tháng ít nhất bạn phải tiết kiệm được 20.000.000 VNĐ. Như vậy thu nhập của bạn phải trên 25.000.000 VNĐ/tháng để có thể tiết kiệm được số tiền như vậy.

Vậy Đại sứ quán chấp nhận các nguồn thu nhập nào?

  • Thu nhập từ lương

  • Thu nhập từ các hoạt động kinh doanh, cho thuê bất động sản

  • Lợi nhuận từ việc kinh doanh cá thể hoặc công ty riêng

  • Thu nhập từ từ việc mua cổ phần, cổ phiếu hoặc góp vốn kinh doanh với công ty khác

  • Thu nhập từ hoạt động nông nghiệp, lâm nghiệp hay nuôi trồng thủy hải sản

Ngoài ra, bạn có thể sử dụng một số loại giấy tờ để chứng minh mình có tài sản lớn như xe hơi, nhà đất,..Những giấy tờ này sẽ không phải là cần thiết, nhưng sẽ giúp lộ trình xin visa của bạn trở nên dễ dàng hơn.

4. Hồ sơ chứng minh tài chính gồm những gì?

4.1. Sổ tiết kiệm

Hồ sơ rất đơn giản chỉ bao gồm sổ tiết kiệm và giấy xác nhận số dư.

Ngoài ra, Đại sứ quán của một số nước sẽ yêu cầu bạn cung cấp bản sao thẻ tín dụng quốc tế. Và để tránh trường hợp bị đánh cắp thông tin, khi photo tín dụng bạn nên che đi 8 số ở giữa và 3 số xác nhận đằng sau.

4.2. Chứng minh thu nhập

Để chứng minh thu nhập tùy vào từng đối tượng bạn sẽ cần nộp các loại giấy tờ khác nhau:

Giấy tờ chung

✓ Hợp đồng lao động: Trong hợp đồng có ghi rõ mức lương, có chữ ký và con dấu của công ty. Đính kèm bản dịch tiếng Anh (có công chứng). Nếu bạn có thể nhờ công ty đóng dấu vào bản photo hợp đồng tiếng Việt và bản dịch tiếng Anh thì không cần đi công chứng.

✓ Sao kê tài khoản cá nhân 3 tháng gần nhất: Bản song ngữ hoặc kèm bản dịch tiếng Anh có xác nhận của ngân hàng. Giấy tờ này phải thể hiện được mức lương/thu nhập hàng tháng. Bên cạnh đó, phải có các hoạt động giao dịch chứ không phải chỉ là xác nhận số dư hiện tại.

✓ Bảng lương 3 tháng gần nhất: Nếu bạn nhận lương qua tài khoản. Vui lòng cung cấp sao kê tài khoản ngân hàng 3 tháng gần nhất bằng tiếng Anh, dấu đỏ ngân hàng.

Giấy tờ khác

✓ Sổ đỏ, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đất: Sử dụng bản photo và bản dịch tiếng Anh (có công chứng). Nếu không có công chứng thì khi nộp hồ sơ phải mang bản gốc để đối chiếu.

✓ Xác nhận số dư tài khoản chứng khoán: Sử dụng bản tiếng Anh, có dấu của công ty chứng khoán.

✓ Đăng ký ô tô

✓ Nếu thu nhập từ cho thuê tài sản cần có: Giấy tờ chứng minh bạn đang sở hữu tài sản; giấy tờ, bằng chứng chứng minh tiền cho thuê bạn nhận được; hợp đồng cho thuê

✓ Nếu thu nhập đến từ góp vốn đầu tư, kinh doanh cần có: hồ sơ, giấy tờ minh chứng việc góp vốn, cổ phần, phân chia lợi nhuận; giấy phép hoạt động doanh nghiệp; báo cáo tài chính; báo cáo thuế

Các đương sự đặc biệt cần cung cấp thêm các giấy tờ:

Chủ doanh nghiệp

Giấy nộp thuế 3 tháng gần nhất (nộp bản photo)

Giấy phép đăng ký kinh doanh (nộp bản photo)

Sao kê tài khoản công ty 3 tháng gần nhất (nộp bản gốc)

Học sinh, sinh viên

Thẻ học sinh, sinh viên có dấu của trường

Giấy khai sinh (nộp bản photo)

Sổ hộ khẩu gia đình

Trẻ em < 18 tuổi mà không đi cùng với cha mẹ

Thư uỷ quyền của cha mẹ cho phép trẻ đi du lịch cùng với người khác

Chữ ký của cha mẹ trong thư uỷ quyền phải được chính quyền địa phương xác nhận

Trẻ em > 18 tuổi đi cùng cha mẹ thì cha mẹ là người cần chứng minh tài chính

Sổ tiết kiệm

Sao kê tài khoản ngân hàng

Tài sản nhà đất,…

Người đã nghỉ hưu

Quyết định nghỉ hưu (nộp bản photo)

Thẻ hưu trí (nộp bản photo)

Sổ lĩnh lương hưu hàng tháng, nếu lĩnh lương qua tài khoản thì sao kê lương 03 tháng gần nhất (nộp bản photo)

Con muốn chi trả chuyến đi cho bố mẹ

Chứng minh ràng buộc : ràng buộc quan hệ gia đình ở Việt Nam

Chứng minh thu nhập của người con: Sổ tiết kiệm, sao kê tài khoản ngân hàng, tài sản nhà đất…

5. Những đối tượng rất khó để tự chứng minh tài chính

Có khá nhiều thắc mắc về chứng minh tài chính cho các đối tượng đặc biệt sau đây:
✓ Lao động tự do: Nếu đương đơn là nhà nội trợ hay kinh doanh tự do, kinh doanh online thường bị Đại sứ quán và Cơ quan xét duyệt đưa vào “tầm ngắm” do khó chứng minh được thu nhập thực tế của gia đình vì không có thuế kinh doanh, thuế thu nhập, sao kê bảng lương hay bảo hiểm xã hội do Công ty đóng,…

Để khắc phục điều này, bạn nên chứng minh tài chính với phương châm càng chi tiết càng tốt. Bạn cần nêu rõ:

  • Bối cảnh gia đình

  • Địa điểm kinh doanh (nếu có)

  • Thu nhập hàng tháng

  • Tài sản tích lũy như bất động sản

  • Sổ tiết kiệm hoặc các tài sản có giá trị cho việc kinh doanh,…

Lưu ý bạn cần có đủ chứng từ chứng minh thu nhập và đảm bảo nguồn tiền là hợp pháp. Chẳng hạn, bạn có thể nộp chứng từ, sổ đỏ, giấy xác nhận giao dịch,…cụ thể để thuyết phục cơ quan xét duyệt hồ sơ.

✓ Học sinh, sinh viên: Với những bạn học sinh, sinh viên đã có sổ tiết kiệm, thì chứng minh tài chính như bình thường. 

Trong trường hợp chưa có thu nhập ổn định cũng chưa có sổ tiết kiệm, thì cha/mẹ/người giám hộ hợp pháp sẽ là đối tượng cần chứng minh tài chính. Cha/mẹ/người giám hộ hợp pháp có thể sử dụng sổ tiết kiệm, giấy tờ sở hữu tài sản và chứng minh thu nhập để chứng minh tài chính. Lưu ý, khi chứng minh tài chính, cha/mẹ/người giám hộ hợp pháp cần xuất trình một bản gốc giấy khai sinh/sổ hộ khẩu và một thư đồng ý bảo trợ tài chính từ cha/mẹ/người giám hộ hợp pháp.

6. Sai lầm thường gặp khi chứng minh tài chính

Khi chứng minh tài chính có rất nhiều bạn mắc phải một trong những sai lầm sau khiến hồ sơ xin visa bị đánh trượt một cách đáng tiếc:

6.1. Số tiền trong sổ tiết kiệm không đủ

Có thể bạn đã chuẩn bị đủ số tiền theo mệnh giá Việt Nam Đồng. Tuy nhiên sứ quán sẽ tính theo mệnh giá của quốc gia họ, vì vậy bạn hãy để ý đến tỷ giá ngoại tệ hiện hành.

Có nhiều trường hợp, bạn đã tính đủ bằng tiền Việt nhưng tại thời điểm xin visa, tỷ giá thay đổi rất có thể làm số tiền trong sổ tiết kiệm của bạn thấp hơn so với quy định của Đại sứ quán. Để chắc chắn, khi làm sổ tiết kiệm, bạn hãy gửi nhiều hơn con số Đại sứ quán yêu cầu ít nhất 50.000.000 VNĐ.

6.2. Cho rằng càng nhiều tiền càng tốt
Bạn là nhân viên văn phòng bình thường với mức lương tối thiểu là 10.000.000 VNĐ/tháng, nhưng bạn lại có sổ tiết kiệm lên đến 5 tỷ cùng nhiều bất động sản đứng tên thì chắc chắn bạn cần giấy tờ chứng minh hợp pháp số tài sản này từ đâu mà ra, nếu không chứng minh được bạn sẽ bị nghi ngờ và đánh trượt visa.

Vì vậy, không phải cứ có nhiều tiền sẽ đảm bảo được tỷ lệ đậu visa. Quan trọng bạn cần có đủ số tiền theo quy định hoặc nhiều hơn nhưng phải có những bằng chứng rõ ràng, thuyết phục về nguồn gốc của số tiền này.

6.3. Tài chính không ổn định
Nếu tài chính của bạn lên xuống thất thường đây có thể là điểm trừ gây ảnh hưởng đến kết quả xin visa của bạn. Hãy đảm bảo sao kê ngân hàng của bạn trong 3-6 tháng gần nhất có tính ổn định nhất định rồi mới nộp hồ sơ xin visa để tránh bị đánh trượt thị thực.

6.4. Sổ tiết kiệm có thời gian mở sổ quá gần hoặc kỳ hạn gửi quá ngắn
Tất cả những sổ tiết kiệm mới mở (ngày mở sổ chỉ cách thời gian xin visa 1-2 tháng), sẽ làm giảm tỷ lệ đậu visa của bạn. Hoặc kỳ hạn sổ của bạn quá ngắn (3 tháng) cũng làm hồ sơ xin visa của bạn yếu. 

Lưu ý hãy tính toán thật kỹ thời gian chuẩn bị hồ sơ, thời gian xét duyệt visa, thời gian bay dự kiến và nên gửi sổ có kỳ hạn ít nhất 6 tháng để phòng các trường hợp thủ tục xin visa của bạn kéo dài hơn dự kiến.

6.7. Không kiểm tra kỹ thông tin trên sổ tiết kiệm
Bạn có sổ tiết kiệm thật được làm ở ngân hàng nhưng không đạt chuẩn cũng là một trong những nguyên nhân có thể khiến bạn bị đánh trượt visa.

Lưu ý rằng sổ tiết kiệm chuẩn là sổ tiết kiệm không được tẩy xóa, ghi tay bất kỳ thông tin gì lên trên đó trừ chữ ký của giao dịch viên và kiểm soát viên. Sổ phải được đóng dấu, ngày mở sổ và ngày có dòng hạch toán tiền vào phải giống nhau,…

Để việc xin visa có tỷ lệ đậu cao hơn, bạn có thể cân nhắc tham gia Bảo hiểm du lịch quốc tế để gia tăng uy tín hồ sơ xin visa của bạn. Cụ thể Bảo hiểm du lịch quốc tế VBI và có mức phí từ 14.000đ/người/ngày và có thể giúp bạn chi trả khoản viện phí khổng lồ từ 10.000-100.000$/chuyến đi nếu chẳng may gặp các rủi ro bất ngờ về sức khỏe hoặc tai nạn. Ngoài ra, phí thị thực và phí dịch vụ đều không được hoàn lại nếu bạn bị từ chối cấp visa.

Bảo hiểm du lịch quốc tế là điều kiện "cần thiết" để xin visa các nước thuộc khối Schengen 

Do đó, tham gia Bảo hiểm du lịch quốc tế là một giải pháp tài chính thông minh vừa giúp dễ “đậu” visa vừa đảm bảo cho bạn và gia đình trước những rủi ro bất chợt có thể xảy ra trong chuyến đi.

» Mua ngayBảo hiểm du lịch quốc tế

» Xem chi tiết: Bảo hiểm du lịch quốc tế 

.
icon
Vui lòng để lại thông tin liên hệ VBI sẽ tư vấn ngay cho bạn
Gửi thông tin